Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Tiên Lữ quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025
  09/10/2023     |  Lượt xem 642   

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, mang lại những thay đổi tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ứng dụng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp hiện đại hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hiệu quả lao động, gắn kết người sản xuất với khách hàng và tăng khả năng tự động hóa, giúp giảm chi phí và mở ra các cơ hội kinh doanh mới.

Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên (Văn Lâm) là doanh nghiệp luôn tiên phong trong ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Trong những năm gần đây, công ty đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và vận hành sản xuất, nhà máy sản xuất của công ty được đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn tại các dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, từ năm 2017, công ty chú trọng nâng cấp hệ thống quản trị doanh nghiệp thông qua nền tảng tích hợp ERP. Hệ thống ERP giúp công ty quản lý các hoạt động gồm: kế toán, phân tích tài chính, quản lý mua hàng, quản lý tồn kho, hoạch định và quản lý sản xuất, quản lý hậu cần, quản lý quan hệ với khách hàng… Nhờ áp dụng hệ thống ERP, công ty có thể số hóa và kiểm soát những vấn đề như: quản lý ngày hết hạn sản phẩm, truy vết hàng trong chuỗi cung ứng, cập nhật giá cho các kênh bán hàng khác nhau, dự báo nhu cầu... Bà Phạm Thị Thanh Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên cho biết: Chuyển đổi số đã tạo ra những giá trị mới, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Với việc tích cực ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh và quản lý, điều hành đã giúp công ty tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tại nhiều công đoạn sản xuất, công ty thực hiện tự động hóa hoàn toàn, sử dụng rô-bốt thay thế con người nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, sản phẩm dược phẩm của công ty luôn đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Mặc dù mới đi vào hoạt động được 5 năm nhưng HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Văn Giang (Văn Giang) đã tích cực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh. HTX hiện nay có tổng diện tích sản xuất gần 48 héc-ta, trong đó chủ yếu là các loại cây ăn quả và rau ăn lá. HTX đầu tư lắp đặt 1 bộ điều khiển thông minh giúp kiểm soát lượng nước, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây trồng và kiểm soát chất lượng đất trồng. Thông qua bộ điều khiển thông minh được kết nối thông tin, cảnh báo tới điện thoại thông minh của người sử dụng giúp HTX có biện pháp chăm sóc cây trồng tốt nhất nhằm tăng năng suất, chất lượng và bảo đảm an toàn. Ngoài ra, HTX tham gia Hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa tỉnh Hưng Yên (https://hy.check.net.vn), đồng thời tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa trên mạng xã hội. Bà Lý Thị Hà, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ áp dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, đã giúp HTX giảm chi phí đầu vào, giảm nhân công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đầu ra. Chuyển đổi số không chỉ thúc đẩy quá trình sản xuất mà còn giúp chúng tôi tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng hơn với khách hàng trên cả nước; từ đó kết nối, đưa sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, bảo đảm an toàn đến khách hàng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với trước kia. Đến nay, HTX đã có 2 sản phẩm là: ổi và cam được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP.

Công nghệ số không chỉ được ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất mà còn được áp dụng vào một số nghiệp vụ ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh như: hệ thống kênh phân phối, tiếp thị, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, quảng bá và bán hàng qua mạng ngày càng phổ biến và phát triển, được hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lựa chọn. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng các website, trang thông tin điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu về đơn vị. Nhiều doanh nghiệp, HTX tham gia đưa sản phẩm lên chào bán tại các nền tảng bán hàng trực tuyến như: shopee, lazada, tiki, sendo… và các nền tảng mạng xã hội như: facebook, instagram, zalo, tiktok…

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất thuốc tân dược tại Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên (Văn Lâm)

Hiện nay, ngoài ứng dụng công nghệ thông tin đơn thuần, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã từng bước thực hiện các quy trình chuyển đổi số cao hơn, như: số hóa quy trình quản trị, vận hành, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng, chuyển đổi số bán hàng và marketing, đẩy mạnh thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử, đầu tư máy móc, dây chuyền tự động hóa vào sản xuất... Đồng chí Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ số đang ngày càng được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh quan tâm ứng dụng, coi đó là “chìa khóa” cho sự phát triển của đơn vị. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn doanh nghiệp, HTX trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, sở thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, HTX trong tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, xây dựng quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO, đồng thời xây dựng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…

 

Nguồn tin: baohungyen.vn